Do hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc trước 1 năm, TP.HCM quyết định tạm ngừng thu phí xa lộ Hà Nội từ ngày 1/1/2018. Thời gian tạm ngừng dự kiến kéo dài đến đầu năm 2019.
Chiều 29/12, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP vừa quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT qua xa lộ Hà Nội từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, trạm thu phí Xa lộ Hà Nội được xây dựng để thu phí cho hai dự án BOT là cầu Rạch Chiếc và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Thời gian thu phí cho dự án cầu Rạch Chiếc dự kiến hoàn thành vào 1/1/2019.
“Do lưu lượng xe tăng và quản lý tốt, TP kiểm soát được nguồn thu từ dự án. Từ đó, TP đã làm việc với chủ đầu tư và đi đến thống nhất thời điểm hoàn vốn cho dự án là ngày 31/12/2017”, ông Hoan cho biết.
Các phương tiện đi qua xa lộ Hà Nội sẽ không phải đóng phí từ 1/1/2018. Ảnh: Lê Quân. |
Với thông tin này, quá trình thu phí cho dự án cầu Rạch Chiếc đã hoàn thành sớm hơn 1 năm. Do vậy, TP.HCM đã quyết định kết thúc chuyện thu phí tại xa lộ Hà Nội từ đầu năm 2018.
Theo tính toán ban đầu, sau khi kết thúc việc thu phí cho dự án cầu Rạch Chiếc, TP.HCM sẽ tiếp tục thu phí cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Thời gian dự kiến thu bắt đầu từ ngày 1/1/2019 đến năm 2036.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng UBND TP cho biết dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang triển khai giải toả bồi thường trên toàn tuyến. Nhà đầu tư đang chờ giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Thời điểm bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội sẽ được TP xem xét, quyết định sau khi nhà đầu tư được bộ cấp giấy chứng nhận, ký kết chính thức phụ lục hợp đồng BOT và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan theo quy định”, ông Hoan cho hay.
Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Lê Quân. |
Để đối phó với tình trạng kẹt xe do lưu lượng tăng sau khi kết thúc thu phí, TP.HCM đề nghị nhà đầu tư tổ chức phân luồng tuyến cho các phương tiện đi qua trạm này.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được khởi công từ tháng 4/2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Đáng nói là tổng mức đầu tư dự án đã tăng gần gấp đôi nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào nhận đủ mặt bằng để có thể thi công và hoàn thành.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để kéo giảm ùn tắc giao thông. Công trình có chiều dài 15,7 km với 16 làn xe, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư theo hợp đồng BOT.
Theo Zing
Nhận xét
Đăng nhận xét